Kính chào bác sĩ Phạm Ngọc Thạch!
Bé nhà em 21 tháng tuổi, hay mọc mụn đỏ nhỏ ngứa ngáy ở khuỷu tay và cổ. Em ra hiệu thuốc mua kem bôi trị rôm sảy nhưng cứ bôi lớp này khỏi lại mọc tiếp lớp khác và mụn có dấu hiệu lan ra rộng ra. Em cũng thay đổi các loại sữa tắm cho bé nhưng cũng không đỡ. Bác sĩ cho em hỏi làm sao để trị được những mụn đỏ đó ạ? Em cám ơn bác sĩ.
Phạm Thị Lan, 29 tuổi, Bình Chánh, HCM
Chào chị, chào độc giả VnExpress: 
Rôm sảy ở trẻ em là bệnh rất thường gặp mùa nóng đặc biệt như thời tiết hiện nay. Rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ, thông thường rôm sảy là bệnh lành tính có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị do nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da xây xát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Chị có thể tắm cho trẻ bằng nước sạch và dung dịch sữa tắm dịu nhẹ. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ có dấu hiệu kích ứng lan rộng thì tốt nhất chị nên ngừng sử dụng sữa tắm cho bé. Chị có thể sử dụng nước ấm vừa phải để tắm cho trẻ, lau khô bằng vải mềm và giữ cho trẻ trong môi trường vệ sinh thoáng mát. Khi trẻ bị rôm sảy nhiều chị có thể dùng thuốc tím pha loãng nước ấm để tắm cho trẻ, tắm ít nhất ngày một lần với dung dịch thuốc tím loãng (1/10.000). Bôi dung dịch dalibour toàn thân trẻ mỗi ngày một đến hai lần. Chấm thuốc màu eosine hay millan vào chỗ da trẻ bị trầy sưng, viêm nhiễm.
Chị cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế để thăm khám khi bị rôm sảy kéo dài từ 7 đến 10 ngày trở lên, lan rộng các dấu rôm sảy, hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh. Tuyệt đối không được dùng bất kỳ kháng sinh nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Chúc chị sức khỏe và bé nhanh chóng hết bệnh.


Bé em được 11 tháng, khoảng hơn tuần trở lại bé ăn hay bị ọe nhưng không ói, cứ đưa đồ ăn vô hoặc pha sữa nghe mùi là bé ọe. Em theo dõi thì bé đang mọc răng. Trước đây bình thường bé ăn được chừng nào no mà ép ăn thì mới có hiện tượng ọe. Đây có phải là do mọc răng không hay bệnh gì ạ?
Phạm Thị Cúc, 34 tuổi, Bến Cát, Bình Dương
Nôn ói ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nôn ói là triệu chứng có thể do bệnh lý đường tiêu hóa, hoặc cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý tại các cơ quan khác hoặc bệnh lý toàn thân. Hiện tại với các thông tin chị cung cấp, tôi nghĩ nhiều khả năng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Đây là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ.
Chị nên tránh các yếu tố làm gia tăng áp lực ổ bụng như mặc quần áo quá chật, trẻ bị táo bón... Chị có thể chia nhỏ các cữ ăn và ăn chậm, cho trẻ ăn uống theo nhu cầu, tránh ép trẻ ăn quá nhiều. Khi trẻ ọc, chị nên nghiêng đầu trẻ qua 1 bên, giúp trẻ lấy sạch đàm nhớt, cách này có thể phòng tránh nguy cơ sặc sữa cho trẻ. Cho trẻ nằm đầu cao cũng góp phần làm giảm trào ngược. Nếu trẻ không cải thiện hoặc trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, chướng bụng, lừ đừ, ăn uống kém...  cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Con em năm nay 8 tuổi là bé trai. Năm 2013 bé đau bụng, siêu âm bác sĩ bảo bé bị thận trái ứ nước độ 2 nhập viện để kiểm tra thận. Sau khi cho làm các xét nghiệm thấy chức năng thận còn tốt nên không phẫu thuật, 3 tháng kiểm tra 1 lần. Từ đó em kiểm tra định kỳ khi thì ứ nước độ 1, khi độ 2 và khi thì không ứ nước. Nhưng bé hay bị đau bụng khi thì 1 tháng đau 1 lần, lúc 1 tháng đau 2 lần. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng bệnh con em thì điều trị như thế nào? Và có điều trị khỏi bệnh không hay cứ tái đi tái lại nhiều lần? Cám ơn bác sĩ.
TRƯƠNG THỊ THANH TRÚC, 39 tuổi, Xã Đông Thạnh, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Thận ứ nước ở trẻ em là một dị tật thường do nguyên nhân bẩm sinh gây ra, trong đó hẹp khúc nối bể thận và niệu quản là nguyên nhân chính. Bệnh có thể được phát hiện trước sanh nhờ siêu âm tiền sản hoặc khi có biểu hiện triệu chứng sau sanh.
Biểu hiện ứ nước nước thận có khả năng tự giảm nhất là giai đoạn bé trước một tuổi vì quá trình rỗng hóa các cấu trúc ống trong hệ niệu tiếp tục diễn ra. Khi thận ứ nước tắc nghẽn, biểu hiện các triệu chứng như đau bụng, nhiễm trùng tiểu, suy dinh dưỡng … thường có chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, nhất là các trường hợp chức năng thận bị ảnh hưởng.
Theo miêu tả của chị bé trai 8 tuổi đã phát hiện thận ứ nước từ hơn hai năm nay, tuy nhiên chức năng thận còn tốt, mức độ ứ nước nhẹ (độ 1,2) nên các bác sĩ có chỉ định điều trị bảo tồn không phẫu thuật và theo dõi tái khám định kỳ.
Tuy nhiên bé thường hay đau bụng do đó cần phải loại trừ nguyên nhân đau bụng do tắc nghẽn ứ nước thận hay do nguyên nhân nội khoa khác thường xảy ra ở trẻ em như táo bón, rối loạn tiêu hóa… Nếu nguyên nhân từ hệ niệu do thận ứ nước, chị cần tái khám để có chỉ định xạ hình thận đánh giá lại chức năng thận cũng như sự tắc nghẽn để có thái độ điều trị thích hợp.
Con tôi nay 12 tháng, gần đây mùa hè nóng nực bé hay bị nổi sảy ngay vùng mông, thoa phấn khi mặc tả nhưng vẫn thấy nổi hoài. Ngoài ra bé bị bón nay gần 2 tháng, cứ 3 ngày là tôi phải bơm cho bé đi, lâu lâu bé mới tự đi được 1 lần mà không cần bơm. Bác sĩ nói là chỉ cho ăn trái cây và uống nhiều nước nhưng tôi không biết cho bao nhiêu gọi là đủ để bé thoát khỏi tình trạng bón này.
Thoa, 28 tuổi, Bình Thạnh,TP HCM
Chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà là yếu tố quan trọng nhất để đẩy lùi rôm sảy cho trẻ. Phòng của trẻ phải rộng rãi, thoáng mát, nên mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng và nhạt màu cho trẻ. 
Tắm cho trẻ ngày một lần để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng, có thể tắm cho trẻ bằng nước sạch và dung dịch sữa tắm dịu nhẹ. Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy. Nếu sử dụng phấn rôm sẽ hạn chế khả năng bài tiết qua da ở trẻ.
Việc trẻ bón có thể là một biểu hiện của dị ứng sữa, khó tiêu hóa đạm sữa hoặc ăn chưa đủ số lượng, pha sữa quá đặc cho trẻ ăn, mẹ bị táo bón cho con bú, trẻ ăn ít chất xơ, không chịu ăn rau quả, chỉ ăn nước không ăn rau, quả và uống chưa đủ nước hàng ngày. Nếu 2-3 ngày mà trẻ vẫn đi cầu dễ dàng, phân sệt, bú và chơi vui vẻ, lên cân tốt … thì không có gì đáng lo ngại. Chị đừng lo lắng quá mà bơm hậu môn mỗi ngày, kích thích trẻ phải rặn cầu trong khi không có đủ phân thì trẻ cũng khó chịu. Chị nên tập cho trẻ đại tiện đúng giờ quy định, xi ị hoặc cho trẻ ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày.
Chị thử tiếp tục cho trẻ ăn nhiều rau, củ, quả..., massage bụng cho trẻ và xi trẻ mỗi 1-2 ngày xem sao. Nếu trẻ vẫn bón thì chị có thể cho trẻ thử mỗi ngày 5-10ml nước trái cây (không đường) giàu chất nhuận trường như cam, quýt, lê, mận, đào… Nếu vẫn không ổn thì chị nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để tìm nguyên nhân bệnh lý khác.
Chào bác sĩ, con tôi được 4 tuổi. Cháu rất mập, cao 102cm và nặng 21kg. Tôi muốn bổ sung canxi cho cháu vì biết các cháu mập thường dễ bị thiếu canxi. Tôi nên làm thế nào ạ?
Nguyen Ngoc Thao, 38 tuổi, Cao Thang, F.5, Q.3
Với miêu tả của chị về chiều cao cân nặng và lứa tuổi không thể kết luận là cháu thiếu canxi, nhất là bé không có các triệu chứng như rung giật cơ, giật mình khi ngủ hay đổ mồ hôi nhiều. Do đó để đảm bảo đáp ứng nhu cầu canxi cho cơ thể chị chỉ cần bổ sung qua đường ăn uống tự nhiện với nhiều sản phảm chứa hàm lượng canxi cao như sữa, tôm cua…
Chị nên cho bé khám thêm về dinh dưỡng để được tư vấn hợp lý về chế độ dinh dưỡng cho bé.
Con nhà em hiện được 4,5 tháng, mùa hè nóng bức cháu hay bị mẩn đỏ ở 2 má. cháu cũng đã đi thăm khám bác sỹ bảo bị viêm da cơ địa, cháu rất khó chịu, ngủ không ngon và không tăng cân. Xin bác sĩ tư vấn giúp!
Nguyễn Lan Dung, 26 tuổi, Lào Cai
Những triệu chứng chị mô tả có thể được chẩn đoán là biểu hiện của bệnh lý chàm sữa. Chàm sữa là một bệnh về da rất hay gặp ở trẻ nhỏ và thường không ảnh hưởng nguy hiểm gì đến trẻ nếu trẻ không bị bội nhiễm (nhiễm trùng) kèm theo.
Bạn cần giữ trẻ thoáng mát, mặc quần áo mềm mại, tắm trẻ bằng nước ấm, chú ý tránh những tác nhân dị ứng (nếu có). Tuy nhiên, nếu những triệu chứng trên tái đi tái lại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ, chị nên mang trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám chẩn đoán chính xác và điều trị tốt nhất cho trẻ.
Chúc chị sức khỏe và trẻ nhanh chóng hết bệnh.
vnexpress.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top