Da có thể là đường vào của nhiều bệnh nặng, chẳng hạn như nhiễm trùng máu (từng đứng thứ 3 về tỷ lệ tử vong sơ sinh). Ở trẻ nhỏ, diện tích da/cân nặng rất lớn: 700 cm2/kg, gần gấp 3 so với người lớn, nên các bệnh về da càng dễ gây nguy hiểm.

Bác sĩ Vũ Thanh Hương thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em Hà Nội cho biết, da trẻ có độ đàn hồi rất thấp so với người trưởng thành, lại rất mỏng manh nên dễ rách. Sự tạo chất melanin và mỡ cũng còn thấp nên khả năng điều nhiệt không cao. Vì vậy, trẻ rất dễ bị sốt cao hay lạnh cóng. Việc tiết nhiều mồ hôi qua da khiến trẻ dễ bị mất nước. Ngoài ra, sự đáp ứng miễn dịch còn kém ở trẻ khiến làn da rất nhạy cảm, dễ bị dị ứng hoặc nhiễm trùng. Tổn thương da dễ dàng lan toả, ảnh hưởng đến toàn thân.

Vì những lý do trên, việc bảo vệ da có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc trẻ nhỏ; không chỉ giúp tránh mụn nhọt rôm sảy mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh trầm trọng như nhiễm trùng máu, viêm cầu thận...


Để da bé luôn sạch sẽ, cần tắm bé hằng ngày, kể cả mùa đông. Dùng loại sữa tắm cho bé, đã được kiểm nghiệm về độ dịu nhẹ, không gây kích ứng da. Tránh dùng các sản phẩm quá đậm đặc, chứa nhiều nước hoa hoặc chất kháng khuẩn mạnh. Với trẻ dưới 6 tháng, nên tắm bằng nước đun sôi để nguội nhằm tránh tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn. Làm sạch tỉ mỉ các vùng da có nếp gấp và bộ phận sinh dục, nhất là với bé gái.

Sau khi lau khô người, nên thoa phấn rôm rồi mới mặc quần áo, chú trọng những nơi ra nhiều mồ hôi hoặc phải cọ xát nhiều như bẹn, nách, cổ... Phấn rôm vừa có tác dụng hút ẩm, chống nhiễm khuẩn vừa làm giảm ma sát, giúp da bé không bị tổn thương. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng lượng vừa đủ, không rắc trực tiếp lên da mà cho vào tay rồi chuyển 1 ít sang tay kia, xoa 2 tay với nhau rồi mới xoa lên da bé. Không xoa phấn rôm lên vùng da trầy xước hay vết thương hở, không để phấn dính vào mũi, mắt và miệng trẻ, không thoa vào rốn trẻ sơ sinh.

Nếu bạn mặc bỉm (tã giấy) cho bé, nên thay thường xuyên, tối đa 6 tiếng một lần. Nếu để lâu, vùng da đóng bỉm dễ bị hăm do vi khuẩn phát triển. Vùng da này cần được chăm sóc kỹ hơn bằng cách giữ sạch, khô thoáng, thoa phấn rôm hoặc kem chống hăm cho trẻ sơ sinh sau khi tắm và trước khi đóng bỉm.

Vào mùa hè, da bé rất dễ bị rôm sảy do nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Theo bác sĩ Hương, chứng rôm sảy tuy không nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến nhiễm trùng da nặng hơn như mụn nhọt. Nếu không điều trị tốt, vi khuẩn có thể đi vào máu hoặc cầu thận, rất nguy hiểm. Vì vậy, nên cho trẻ mặc quấn áo rộng rãi bằng chất cotton để thấm mồ hôi, thoa phấn rôm và tắm cho trẻ ngày vài lần. Nên sử dụng các loại "lá mát" và có tác dụng diệt khuẩn để tắm bé, chẳng hạn như sài đất, mướp đắng, lá kinh giới... Không nên để bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, nhất là khoảng 10h30 đến 14h30 vì có thể làm bé ngứa ngáy khó chịu.

Nếu cho bé nằm điều hòa nhiều, da bé dễ bị khô dẫn đến nẻ và có khả năng nhiễm trùng. Các mẹ cần bôi kem dưỡng ẩm cho bé để da bé không bị khô hoặc để một chậu nước bên trong phòng bé để cân bằng độ ẩm trong phòng.
Thanh Nhàn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top