1. Rôm sảy
- Triệu chứng: nổi mụn nhọt, rôm sảy, mẩn ngứa và đỏ
- Nguyên nhân: Do thời tiết nóng bức và do trẻ được cho ăn nhiều các thực phẩm tính nóng.
- Cách phòng tránh và chữa trị: Thường xuyên tắm cho bé, vệ sinh cho bé cẩn thận. Các mẹ có thể mua hoặc tìm các loại lá như rau diếp cá, lá kinh giới... để tắm cho bé để chữa và phòng tránh rôm sảy cho bé. Lưu ý rửa sạch lá trước rồi mới vò hoặc đun nước tắm cho bé. Tránh để bé bị nhiễm trùng da vì nước bẩn. Nên đưa bé đến nơi thoáng mát để lau khô người và thay đồ cho bé. Cho bé uống nhiều nước và không được bôi phấn rôm để tránh bít lỗ chân lông làm mồ hôi không thoát được.
2. Bệnh tiêu chảy:
- Triệu chứng: Đi đại tiện nhiều lần, đau bụng, có thể bị nôn.
- Nguyên nhân: Do ô nhiễm nước, hoa quả bé ăn không được rửa sạch, ruồi muỗi nhặng phát triển do thời tiết nóng ẩm.
- Cách phòng tránh và chữa trị: Với trẻ đang bú sữa mẹ, không nên cho bé ăn thêm bất kỳ thứ gì khác. Nếu bé đi từ 3-5 lần một ngày, phân nước hoặc đôi khi là phân hoa cà hoa cải,... mà không sốt, bú bình thường thì không phải lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường của trẻ đang bú. Trong trường hợp bé đi nhiều lần hơn, sốt, quấy thì nên đưa bé đến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể chứ không nên cho bé uống thuốc bừa bãi. Các mẹ cũng cần thường xuyên vệ sinh, tắm rửa cho bé.
3. Bệnh tay, chân, miệng ở trẻ:
- Triệu chứng: Ban đầu bé sẽ bị sốt cao, viêm họng và sổ mũi kéo dài từ 3-5 ngày. Sau đó, bé sẽ bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là mặt trong của má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước này sẽ vỡ rất nhanh tạo thành vết lở loét gây đau đớn cho bé khiến bé không ăn được. Sau đó, các mụn nước bắt đầu xuất hiện ở khu vực bàn tay, bàn chân. Những mụn nước này không vỡ, thường xẹp xuống sau 7-10 ngày dù không điều trị. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu tiên và đào thải virus qua phân trong những tuần tiếp theo.
- Nguyên nhân: Do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra.
- Cách phòng tránh và chữa trị: Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin cho bệnh tay chân miệng và cũng chưa có thuốc đặc trị. Khi bé có triệu chứng, các mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc cụ thể.
4. Bệnh sốt xuất huyết:
- Triệu chứng: Trẻ bị sốt khoảng 7 ngày đổ lại, không ho không tiêu chảy, không sổ mũi. Có xuất hiện vết như muỗi đốt nhưng khi căng da thì không biến mất, thường ở cẳng tay, cẳng chân. Trẻ có thể bị đau vùng bụng hạ sườn phải, chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu. Trong ngày thứ 3 đến thứ 5 của đợt sốt, trẻ bị nặng có thể bị trụy tim, người lạnh, mệt mỏi.
- Nguyên nhân: Do muỗi mang virus gây bệnh đốt
- Cách phòng tránh và chữa trị: Thường xuyên tắm và vệ sinh cho bé. Mắc màn cẩn thận, bôi kem chống muỗi cho bé và vệ sinh giường bé nằm thường xuyên. Theo dõi tình trạng của bé, đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc cẩn thận.
5. Bệnh viêm màng não:
- Triệu chứng: Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên ( lạnh, xổ mũi, hắt xì, ho, đau họng), nhức đầu, cổ cứng, sốt và ớn lạnh, sợ ánh sáng, nôn, co giật... Ngoài ra bé có thể bị nổi ban trông như những vết bầm.
- Nguyên nhân: Biến chứng từ bệnh tay chân miệng hoặc do nhiễm virus.
- Cách phòng tránh và chữa trị: Tiêm vắc-xin cho bé, tắm và vệ sinh cho bé thường xuyên. Khi bé có triệu chứng cần đưa tới các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh hiệu quả.
6. Bệnh sởi:
- Triệu chứng: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.
- Nguyên nhân: Bệnh sởi ở trẻ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên . Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp .
- Cách chữa trị và phòng ngừa: Đưa trẻ đi tiêm phòng, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho bé, có triệu chứng nên đưa bé đi khám và nhận hướng dẫn chăm sóc cụ thể cho bé.
Ngoài ra vào mùa hè, các bé còn có một số bệnh khác nữa như ngộ độc thực phẩm, say nắng,... Các mẹ cần thật chú ý để đảm bảo sức khỏe cho bé. Khi tắm cho bé nên sử dụng sữa tắm cho bé chứ không nên dùng loại dành cho người lớn. Nếu cho bé nằm điều hòa thì nên sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé để da bé không bị khô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét