Điều đáng lo là các bậc phụ huynh đang ngày càng thể hiện sự quan tâm con cái bằng cách mua cho trẻ nhiều loại sản phẩm hơn, và mọi người có thể mua nó rất dễ dàng tại các tiệm tạp hoá, sạp chợ, nhà thuốc hay trên mạng bán hàng trực tuyến…
Bủa vây từ lúc chào đời
Vừa cất tiếng “oe” trong bệnh viện, là bé đã có ngay danh mục cả chục loại mỹ phẩm quanh nôi với: kem dưỡng da cho bé, kem mátxa dưỡng ẩm, kem chống hăm tã, phấn rôm, sữa tắm gội, dầu giữ ấm…
Mỗi loại có cả chục nhãn hiệu khác nhau, từ hàng chính hãng phân phối trong các siêu thị, cửa hàng chuyên bán đồ dùng cho mẹ và bé, nhà thuốc tây, đến các shop chuyên bán hàng xách tay, bán hàng trực tuyến giao tận nơi…
Sản phẩm nào cũng được quảng cáo là an toàn, không gây kích ứng da, êm dịu cho làn da mềm mại của bé… được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Đức…
Từ 12 tháng trở lên, danh sách mỹ phẩm dành cho bé mỗi ngày nhiều và mở rộng hơn. Chỉ để tắm gội có nhiều loại khác nhau: dưỡng ẩm, trị rôm sảy, tắm gội 2 in 1 hoặc 3 in 1, sữa tắm cho bé trai hoặc bé gái với vỏ hộp hình các nhân vật hoạt hình như siêu nhân, công chúa, vịt Donald… đi kèm mùi hương riêng. Thậm chí trẻ em cũng có cả muối tắm (vốn dành cho người lớn tẩy tế bào chết và mátxa thư giãn).
Chỉ tính riêng kem chống nắng cho bé, đã có gần 20 loại khác nhau, với các hình thức phun xịt lên da, kem, gel, phấn. Dưỡng ẩm và chống khô có khoảng 30 loại khác nhau: dành cho da toàn thân, dành cho môi, dành cho tay chân, dành cho da nhạy cảm, dành cho mùa đông, dùng hàng ngày sau khi tắm…
Từ bốn tuổi trở lên, mỹ phẩm cho bé mở rộng các mặt hàng, gần như không thiếu thứ gì so với người trưởng thành. Bé đã có thể chọn cả trăm loại nước hoa khác nhau, vài chục loại dầu gội, sữa tắm, dưỡng thể, phấn thơm, phấn khử mùi mồ hôi; bé cũng có phấn má, son dưỡng môi, son màu…
Tính về thương hiệu, trong siêu thị, chỉ khoảng 18 thương hiệu được bày bán phổ biến, nhưng trên mạng, và tại các shop thì mỹ phẩm cho trẻ em đa dạng hơn với các hiệu Rassal Rabbit, Kaloo, Chicco, Budchen, Morozko, Hello Kitty, Kirlands…
Nhiều shop mua bán hàng trực tuyến còn nhận cung cấp các mặt hàng không có sẵn, chỉ cần người mua cho biết nhãn hiệu họ cần đang có bán ở nước nào, gửi hình mẫu vỏ hộp, là shop có thể đặt hàng và giao tận nhà.
Chính vì vậy có nhiều sản phẩm lạ như kem dưỡng ẩm cho mùa đông của Nga, kem làm ấm cơ thể của Đức, dầu thoa da giảm ho của Israel… cũng có mặt ở thị trường Việt Nam.
Càng cưng càng sắm
Khách hàng quen của các shop chuyên bán mỹ phẩm trẻ em là những bậc phụ huynh có mức thu nhập kha khá trở lên. Chẳng hạn nước hoa nhập khẩu từ Ý, giá 265.000 đồng/chai/100ml, nước hoa Pháp giá 450.000 đồng/chai 100ml, nước hoa có hình búp bê Nhật Bản giá 650.000 đồng/chai…
Thậm chí chiều con, nhiều bà mẹ sắm cho bé trọn bộ nước hoa trẻ em, với phần nắp có gắn hình các con vật khác nhau, mỗi con thể hiện mùi khác nhau như cam bergamot và quýt, hoa cam, hoa kim ngân, xạ hương.
Ghi nhận tại một số cửa hàng cho thấy, nhiều phụ huynh có thẻ VIP, doanh số mua hàng lên đến cả chục triệu mỗi năm vì cứ cuối tuần lại đi “săn” mua các mỹ phẩm cho con. Trên các mạng, nhiều bà mẹ tự hào khoe “săn” được chai kem dưỡng thể này, tuýp chống nắng kia dành cho bé.
Và tâm trạng chung của họ thể hiện qua những dòng chữ, là thể hiện niềm vui chăm sóc bé yêu của mình. Bởi họ tin vào công thức mỹ phẩm do nhà sản xuất công bố. Họ tin rằng với số tiền bỏ ra đến hàng triệu đồng cho mỗi sản phẩm, thì đó là mặt hàng tốt và an toàn.
Thực tế, ngay cả trong những mỹ phẩm có thành phần thiên nhiên tưởng như tốt, an toàn nhất cho bé, thì những chất định hương, dung môi, bảo quản… trong đó chính là những hoá chất có thể gây ảnh hưởng đến con trẻ.
Theo Bích Thảo - Thế giới tiếp thị/ Nông thôn ngày nay
0 nhận xét:
Đăng nhận xét